Tin tức

Kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973 – 27/01/2013).

Hiệp định Paris là sự kiện lịch sử có tầm vóc quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và bền bỉ của nhân dân Việt Nam. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Hội nghị bốn bên tại Paris năm 1973

Sau thất bại Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải ngừng ném bom từ Ninh Bình trở ra phía Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Paris. Cuộc đàm phán giữa đoàn đại biểu Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu ngày 13/5/1968 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đường Kleber, Paris đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam, đọ sức trên mặt trận ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.

Địa điểm tổ chức hội đàm được chọn là thành phố Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Thời gian đàm phán kéo dài từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973. Để tránh áp lực của các nước đồng minh, tránh sự can thiệp của các cường quốc khác, Việt Nam chỉ chấp nhận đàm phán tay đôi giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa với Hoa Kỳ, sau mở ra thành hội nghị bốn bên, thêm Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cuộc đàm phán diễn ra phức tạp, ngoài những cuộc họp công khai dành cho việc lên án lẫn nhau mà không bên  nào chịu nhượng bộ, còn có những cuộc họp kín giữa cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam và cố vấn đặc biệt của tổng thống Mỹ, là nơi giải quyết chủ yếu các vấn đề tranh chấp giữa hai bên.

Việc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là việc phải xảy ra khi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam không thể giải quyết bằng quân sự. Những thắng lợi vang dội trên chiến trường của Việt Nam, đặc biệt là cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không” là đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn ủng hộ Việt Nam

Như đã ấn định trước, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Paris, vào lúc 11 giờ trưa ngày 27/1/1973, lễ ký kết chính thức Hiệp định  Paris khai mạc. Tham gia buổi lễ ký kết gồm có bốn phái đoàn của bốn bên, các thành viên của Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.

Đại diện của bốn bên, gồm Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  Nguyễn Duy Trinh; Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ  William P.Rogers và Trần Văn Lắm- Tổng trưởng Ngoại giao chính quyền Sài Gòn, cùng ký tên vào bản văn Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Một số điểm cơ bản của Hiệp định Paris  đã được ký kết như: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Genève. Ngưng bắn trên toàn Việt Nam sẽ bắt đầu từ 27/1/1973. Trong vòng 60 ngày, sẽ có cuộc rút lui hoàn toàn của quân đội Mỹ và đồng minh cùng các nhân viên quân sự Mỹ ra khỏi Nam Việt Nam. Hoa Kỳ  sẽ không tiếp tục can thiệp quân sự vào các vấn đề nội bộ của Nam Việt Nam...

Một trong những thắng lợi quan trọng nhất mà cách mạng Việt Nam đạt được trong Hiệp định Paris là việc Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tuy vấn đề thống nhất vẫn chưa được giải quyết, song đối phương đã phải chấp nhận trên thực tế ở miền Nam có vùng giải phóng với sự hiện diện của lực lượng cách mạng cùng chính quyền và quân đội Giải phóng.

Ông Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Dân chủ cộng hòa kí hiệp định

Hiệp định đã xác định quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và các giải pháp để hai bên ở miền Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời và chính quyền Sài Gòn) tiến hành theo tinh thần của Hiệp định. Vấn đề quan trọng là Hoa Kỳ phải cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, việc giải quyết các vấn đề của miền Nam sẽ không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó chính là tiền đề thuận lợi để hai năm sau, quân dân ta đã hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc đấu tranh ngoại giao xuyên suốt ba mươi năm kháng chiến (1945-1975) phát triển theo chiều hướng đi lên của cách mạng Việt Nam mà đỉnh cao là Hiệp định Paris năm 1973. Tình hình ngày nay đã có nhiều đổi khác song những bài học của cuộc đấu tranh ngoại giao trong thời kháng chiến vẫn mang ý nghĩa thiết thực.

Nhân tố đóng vai trò quyết định đưa đến thắng lợi của cuộc đàm phán Paris là sự lãnh đạo sáng suốt, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đề ra đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường lối quốc tế độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN kí Hiệp định

Nghệ thuật ngoại giao “Đánh kết hợp với đàm”, hoạt động ngoại giao đã góp phần tranh thủ dư luận thế giới, cô lập kẻ thù, hỗ trợ chiến trường và ngược lại, chiến thắng trên chiến trường đã hỗ trợ to lớn cho công tác vận động quốc tế trong các cuộc đàm phán, buộc địch xuống thang từng bước, làm thay đổi so sánh lực lượng, thế trận trên chiến trường.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy trong bất kỳ tình huống nào, việc bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mãi mãi là nguyên tắc bất di bất dịch. Lợi ích của quốc gia, của dân tộc là trên hết. Và trong thời kì hiện đại, tinh thần, bản lĩnh sáng tạo, linh hoạt cần phải phát huy hơn nữa.

Đoàn - Hội SV Trường

hiệp định, paris, chiến tranh, hòa bình


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        14,442,865       19/447