Tiêu điểm

Sinh viên Công trình xây nhà thờ Đức Bà bằng 8 ngàn thanh tre

Nhóm 5 sinh viên năm cuối Khoa Kỹ thuật công trình Trường đại học Lạc Hồng đã làm đồ án kiến trúc mô phỏng Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng tại TP.Hồ Chí Minh với 8 ngàn thanh tre. Cả nhóm mất ba tháng tính từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành mô hình. 

Xây nhà thờ Đức Bà bằng 8 ngàn thanh tre

Sinh viên Khoa Kỹ thuật Công trình từng bước mô phỏng nhà thờ Đức Bà

bằng que nướng thịt xiên...

Xây công trình cổ bằng tre

Giảng viên hướng dẫn là Nguyễn Đinh Anh Vũ, còn nhóm sinh viên thực hiện gồm Đào Quang Khải, Nguyễn Hồ Hải Long, Huỳnh Xuân Lãm, Phạm Văn Huân, Trương Nhật Yên.

Giảng viên Nguyễn Đình Anh Vũ cho biết: “Các sinh viên Khoa Kỹ thuật công trình đều phải trải qua bộ môn kiến trúc. Đây là môn rất quan trọng giúp sinh viên cảm nhận và trải nghiệm những kiến trúc đẹp, mang tính thẩm mỹ cao. Việc thực hiện mô phỏng lại các công trình kiến trúc nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Cầu Sông Hàn, Cầu Trường Tiền ở Huế... là cơ hội tuyệt vời để sinh viên vừa làm, vừa suy nghĩ và thấm cảm vẻ đẹp của kiến trúc từ cổ điển đến hiện đại”.

Xây nhà thờ Đức Bà bằng 8 ngàn thanh tre

Có những chi tiết phải làm đi làm lại để “khớp” với tổng thể của công trình

Công trình kiến trúc Nhà thờ Đức Bà tại TP.Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc nghệ thuật có trăm năm tuổi, có rất nhiều chi tiết độc đáo nhưng lại phức tạp. Nhóm sinh viên chọn mô phỏng lại kiến trúc Nhà thờ Đức Bà đã xin ý kiến giảng viên hướng dẫn làm đồ án trước khi bắt tay “khởi công”.

Vật liệu chính để thi công công trình kiến trúc Nhà thờ Đức Bà là từ những thanh tre dùng để xiên thịt nướng. Cả nhóm đã dùng tới gần 8.000 thanh tre vót sẵn, mỗi thanh dài khoảng 15 cm. Chất liệu kết dính là keo hiệu Con Voi 502 độ dính cao và mau khô. Khi công trình thi công xong nhóm đã sử dụng sơn PU phun lên bề mặt để có màu vàng bóng, đồng thời chống được mối mọt.

Trước khi thực hiện cả nhóm đã rủ nhau lên TP.Hồ Chí Minh “ngắm” công trình Nhà thờ Đức Bà nguyên cả ngày, chụp rất nhiều ảnh, đặc biệt những chi tiết cầu kỳ phức tạp được chụp nhiều tấm ảnh để về phân tích thêm kiến trúc khi thực hiện cho thật chuẩn xác.

Công trình xây dựng nhà thờ Đức Bà bằng 8 ngàn thanh tre

Nhóm sinh viên mất 1 tháng 15 ngày để hoàn thiện mô hình

Đào Quang Khải sinh viên thực hiện, cho biết: “Mỗi chi tiết ở Nhà thờ Đức Bà đều rất cầu kỳ, rất tinh tế đậm phong cách châu Âu cổ điển nên rất khó để có thể mô phỏng sinh động nếu không hiểu, không kiên nhẫn. Có những chi tiết nhóm đã phải làm đi làm lại tới nhiều lần mới hài lòng và “khớp” với tổng thể của công trình”.

Cả nhóm bắt đầu lên bản vẽ, mua vật liệu từ cuối tháng 9/2017. Ngày 1/10 thì “khởi công” đặt những thanh tre đầu tiên làm đế, và đúng 1 tháng 15 ngày thì công trình hoàn thành chi tiết cuối cùng, đó là gắn chi tiết chiếc Thánh giá lên ngọn tháp chuông bên phải của nhà thờ. Trương Nhật Yên sinh viên trong nhóm thực hiện đồ án, chia sẻ: “Dù chỉ là công trình mô phỏng thôi nhưng việc thực hiện đã mang lại rất nhiều cảm hứng, cho sinh viên nhiều kinh nghiệm về xử lí kiến trúc, kết cấu chịu lực, đặc biệt là ở những chi tiết phức tạp”.

Phục dựng Cầu Ghềnh trăm năm tuổi

Sinh viên Nguyễn Hồ Hải Long, chia sẻ: “45 ngày liên tục chúng em đã làm việc cùng nhau một cách rất ăn ý, tỉ mỉ, kiên nhẫn nhưng rất thú vị sau mỗi buổi tan học, thường là từ 5 giờ tới 7-8 giờ tối. Từng phần của công trình kiến trúc cổ Nhà thờ Đức Bà được hiện ra, từ đế, phần các bức tường, cửa, mái và tháp chuông... làm cả nhóm rất hứng thú. Khó nhất là các chi tiết uốn cong vòm cổng, cửa ra vào, của phần tháp, và các mái phụ hai bên và sau của nhà thờ”.

“Đặc biệt công trình mô phỏng Nhà thờ Đức Bà có rất nhiều kiểu mái vòm, hình tròn khác nhau. Có những chi tiết phải dùng tới máy CNC để thực hiện vì quá nhỏ. Việc tính toán tỷ lệ thuận của từng chi tiết nhỏ và tổng thể của cả công trình sao cho cân đối là một thách thức không hề nhỏ”- Sinh viên Nguyễn Hồ Hải Long chia sẻ thêm.

Khi hoàn thành công trình Nhà thờ Đức Bà cả nhóm đã có những con số khá ấn tượng, toàn bộ công trình nặng trên 10kg, dài 1,2m, rộng 0,6m và hai tháp chuông cao 0,7m. Công trình tiêu tốn hết gần 8000 thanh tre, hơn 1 triệu đồng tiền keo dính và sơn PU. Cả nhóm đã tốn tổng cộng 450 giờ thi công, tương đương với 19 ngày thi công liên tục 24/24 giờ không ngừng nghỉ.

Công trình xây dựng nhà thờ Đức Bà bằng 8 ngàn thanh tre

Mô hình mô phỏng Cầu Sông Hàn của sinh viên Khoa Kỹ thuật Công trình

Giảng viên Nguyễn Đinh Anh Vũ, cho biết có nhóm sinh viên đang lên ý tưởng phục dựng lại hình ảnh Cầu Ghềnh bắc qua Cù Lao Phố, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai bị xà lan tông sập hồi tháng 3/2016. Đây là một ý tưởng rất táo bạo nhưng sẽ là một điều rất thú vị nếu thành hiện thực. Dự kiến mô hình Cầu Ghềnh sẽ dài 2 mét, cần 20 tới 25 ngàn thanh tre, 4 triệu đồng tiền keo dính 502 và khoảng 3 tháng thi công với khoảng 1.200 giờ thi công lao động của nhiều sinh viên.

Nhóm sinh viên thực hiện phục dựng mô hình Cầu Ghềnh dự kiến sẽ “khởi công” vào đầu tháng 12, để có thể kịp hoàn thành vào tháng 3/2018 đúng 2 năm sự cố sập Cầu Ghềnh, một cây cầu có trên 100 năm tuổi vốn đã là hình ảnh rất gắn bó với người dân Biên Hòa - Đồng Nai.

 Đấu giá công trình cổ làm từ thiện

Giảng viên Nguyễn Đinh Anh Vũ, chia sẻ: “Chúng tôi đã nêu ý tưởng với sinh viên việc trưng bày giới thiệu nhiều mô hình kiến trúc làm bằng thanh tre để mọi người được biết. Nếu có thể sẽ đưa ra đấu giá để gây quỹ từ thiện hỗ trợ cho sinh viên nghèo”.

T5L theo Công Trí

Xây nhà thờ Đức Bà, thanh tre, sinh viên


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        33,744,345       27/703