Dưới mái trường

Đột phá trong ngành bán dẫn: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Tại hội thảo chủ đề “Tương lai Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ mới: Bán dẫn - Trí tuệ nhân tạo” trong khuôn khổ “Ngày đổi mới sáng tạo mở 2024” tại Thành phố Hồ Chí Minh, PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) nhấn mạnh: Mặc dù, Việt Nam là nước đi sau trong cuộc đua lĩnh vực vi mạch bán dẫn, nhưng được đánh giá là có tiềm năng to lớn và hội tụ đủ các điều kiện để nhanh chóng phát triển hệ sinh thái bán dẫn cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khi Đông Nam Á lọt vào tầm ngắm của các “đại gia” vi mạch…

Tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo chủ đề “Tương lai Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ mới: Bán dẫn – Trí tuệ nhân tạo” trong khuôn khổ “Ngày đổi mới sáng tạo mở 2024” tại Thành phố Hồ Chí Minh, PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng trường đại học Lạc Hồng cho biết, hiện nay khu vực Đông Nam Á đáng có tốc độ tăng trưởng về lĩnh vực vi mạch bán dẫn rất mạnh mẽ. Cùng với đó là các nhu cầu sản phẩm này trên thị trường cũng đang tăng rất cao trong nhiều lĩnh vực. Những quốc gia dẫn đầu trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan đã xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững.

PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (LHU)

Ngoài ra, Đông Nam Á cũng là thị trường được các tập đoàn lớn, đa quốc gia trên thế giới đưa vào “tầm ngắm”, họ đang tìm kiếm các đối tác và hợp tác đầu tư. Đây là một cơ hội rất tốt để lĩnh vực vi mạch bán dẫn phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Thầy Quỳnh cho biết, trong năm qua trên toàn thế giới có 73 dự án xây dựng nhà máy bán dẫn. Trong đó chỉ có khoảng 23 dự án là mở rộng, các dự án còn lại là xây dựng mới. Đông Nam Á đang được xem là khu vực có sức hút mạnh mẽ về đầu tư, xây mới nhà máy bán dẫn.

Đây động lực, cũng là cơ hội tuyệt vời cho các nước trong khu vực Đông Nam Á - Thầy Quỳnh nhấn mạnh.

….Và những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam

Trước làn sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch vào Đông Nam Á, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một chiến lược trong việc phát triển vi mạch bán dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1018 về phát triển công nghiệp bán dẫn giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn cho tới năm 2050. Đó là một quyết bước đi thích hợp, thể hiện bản lĩnh và quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong nắm bắt xu thế phát triển về khoa học công nghệ.

Theo nhận định của thầy Quỳnh, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Trước hết là Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ và có khả năng tiếp cận với công nghệ mới rất nhanh.

Thứ hai là chi phí nhân công của Việt Nam rất cạnh tranh nếu so với các nước khác trong khu vực. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba là Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi, kết nối được dễ dàng tới nhiều thị trường lớn trong khu vực và toàn cầu.

Và một điều kiện rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, đó là môi trường chính trị ổn định. Việt Nam đang có một môi trường chính trị rất tốt để các nhà đầu tư yên tâm khi xây dựng các hạng mục, nhà máy bán dẫn ở đây. “Hiện có khoảng 50 công ty liên quan đến vi mạch bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó có 5 công ty lớn là Amkor, Intel, Onsemi, Samsung và Hana Micron” – Phó Hiệu trưởng LHU nêu dẫn chứng.

Theo nhận định của thầy Quỳnh, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn

Chia sẻ thêm về điều này, Thầy Quỳnh cho hay: Amkor đã đầu tư 520 triệu đô và dự kiến sẽ tăng lên thành 1,6 tỷ đô, tạo công ăn việc làm cho 10.000 người. Hana Micron cũng đầu tư 600 triệu đô và dự kiến lên thành 1 tỷ đô với 4.000 nhân viên. Ông lớn Intel cũng đã đầu tư 1,5 tỷ USD và có 6.500 nhân viên.

Samsung là công ty quy mô lớn nhất. Họ đầu tư 22,4 tỷ USD với 100.000 nhân viên.

Bên cạnh những cơ hội tuyệt vời, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Thách thức đầu tiên là tuy Việt Nam có một lực lượng nhân công trẻ dồi dào nhưng lại thiếu hụt một đội ngũ chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực vi mạch. Đây cũng là khó khăn của các nước ở Đông Nam Á. Điều cần làm là phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả để tăng cường được đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này trong thời gian sớm nhất. “Vì cơ hội cũng như dòng nước, chảy xuôi chứ không có chiều ngược lại. Cơ hội đến mà không nắm bắt được, rất khó để có những cơ hội như vậy đến một lần nữa” - Thầy Quỳnh lưu ý.

Thách thức thứ hai là cơ sở hạ tầng công nghệ Việt Nam vẫn còn hạn chế. Mặc dù những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư và có sự phát triển khá mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, nhưng để đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn thì vẫn chưa đạt yêu cầu.

Bài tham luận của PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh tại Hội thảo chuyên đề "Tương lai Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ mới: Bán dẫn – Trí tuệ nhân tạo" năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh

“Trong việc phát triển hạ tầng cần phải chú ý vào các yếu tố điện, nước, năng lượng bền vững, giao thông thuận lợi và hệ thống thông tin liên lạc ổn định. Chính phủ cũng cần phải có những chính sách dành cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn để phát triển lĩnh vực này”, Thầy Quỳnh đề xuất

Ra Khơi

bán dẫn; LHU; PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh; Bán dẫn - Trí tuệ nhân tạo; Ngày đổi mới sáng tạo mở 2024


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        32,693,854       54/1,130