Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Phòng và điều trị bệnh viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang

Tại sao kiến khoang gây viêm da?

Kiến khoang là loại kiến có kích thước nhỏ hơn hạt thóc có cánh bay, bụng thon nhọn đen, có một khoang màu đỏ, thuộc họ côn trùng. Khi trời tối, các gia đình bật đèn sáng kiến bay vào bám trên các bức tường, giường, màn và bò cả lên người. Kiến này đốt rất đau và trong bụng chứa một chất độc giống như chất cantharidin ở sâu ban miêu. Gần đây, các nhà côn trùng học đã xác định là chất pederin (C24H43O9N) có độc tính gấp 12 - 15 lần rắn hổ. Pederin có trong máu của kiến, thậm chí khi kiến chết khô 8 năm sau thì độc tính vẫn tồn tại.

Do cơ thể loài kiến này có chất độc và vi khuẩn cộng sinh nên  khi tiếp xúc với da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axít. Một số người không biết đã lấy tay giết kiến sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da đã tạo thành những vết tổn thương dài. Hoặc thương tổn ở cẳng tay khi ngủ vắt tay lên trán làm tổn thương lan sang trán, thương tổn ở bắp chân lây sang mặt sau đùi khi ngồi xổm, thương tổn ở mặt gấp cẳng tay thì lan sang cánh tay khi gấp tay lại... Những thương tổn dạng như trên được gọi là “thương tổn hôn nhau” (kissing lesson) là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.

http://skds3.vcmedia.vn/DGLcjEtCi7V4PUO35EGZceYAXCoe9f/Image/2012/11/3-26711.jpg

Không nên dùng tay giết kiến 3 khoang.

 

Biểu hiện tổn thương do kiến khoang

Vị trí hay gặp ở vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân mình vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Đây là những dấu hiệu quan trọng để phân biệt với bệnh zona.

Tính chất của thương tổn là những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, chợt loét nông trên da cũng giống như viêm da do ấu trùng bướm nhưng ở cấp độ nặng hơn, có thể bị nhiều tổn thương trên da. Đau rát nhiều làm bệnh nhân lầm tưởng là bệnh zona.

Sự khác biệt tổn thương do bệnh zona với viêm da do độc tố kiến khoang và côn trùng

Bệnh zona thực chất là do virut có ái tính với thần kinh gây nên: virut nhân lên trong các hạch thần kinh và theo các sợi thần kinh ra ngoài gây bệnh ngoài da. Chính vì vậy, tổn thương chỉ bị một khúc bì do thần kinh đó chi phối và chỉ bị một bên, rất hiếm khi bị hai nơi hoặc đối xứng, hai bên. Còn viêm da do côn trùng thì tại vị trí tiếp xúc có thể bị nhiều nơi trên cơ thể.

Thương tổn của zona là những mụn nước, bọng nước thành chùm thành nhóm như chùm nho, đau xuất hiện trước khi mọc mụn nước 1 - 2 ngày và thường có hạch vùng lân cận. Đặc biệt là không có thương tổn “hôn nhau” như ở viêm da tiếp xúc, chỉ bị zona sau khi đã bị thủy đậu, hiếm khi lây lan nên không thể nói là dịch zona và đời người cũng chỉ bị zona một lần hiếm khi bị zona lần hai. Nếu ai đó bị zona lần thứ hai thì nên kiểm tra tình trạng bệnh kỹ lưỡng xem có mắc bệnh khác không.

Tính chất đau của zona là đau như điện giật, đau từng cơn, khi tổn thương đã khỏi nhưng đau vẫn còn tồn tại khá lâu. Còn viêm da tiếp xúc thì chủ yếu là rát và ngứa âm ỉ không thành cơn và khi tổn thương thuyên giảm thì hết đau hoàn toàn.

Điều trị viêm da tiếp xúc do kiến khoang

Việc điều trị viêm da do kiến khoang không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Phương pháp điều trị tùy theo tổn thương và chủ yếu dùng thuốc bôi tại chỗ kèm thuốc kháng histamin đường uống.

Thuốc bôi tại chỗ:

Khi mới tiếp xúc với độc tố của kiến chỉ có đỏ da và ngứa nên dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch các chất bám lên da, sau đó dùng hồ nước bôi lên để làm mát da, dịu da. Khi đã nổi mụn nước, phỏng nước có thể bôi hồ nước, đắp dung dịch yaris giúp mát da, dịu da và làm khô, sạch tổn thương.

Nếu có xuất hiện mụn mủ dùng các dung dịch màu như xanh methylen, milian, castellani bôi lên tổn thương giúp sát khuẩn, khô sạch tổn thương. Chú ý, khi bôi không nên dùng castellani cho trẻ em vì thuốc này có thể làm trẻ đau rát khi bôi. Khi tổn thương không còn chảy dịch, khô lại có thể sử dụng mỡ kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp tổn thương mau lành.

http://skds3.vcmedia.vn/DGLcjEtCi7V4PUO35EGZceYAXCoe9f/Image/2012/11/ba-khoang1-26711.jpg

Tổn thương đặc thù trên da do côn trùng (kiến 3 khoang).

 

Thuốc uống:

Thuốc kháng histamin thế hệ 1: (ví dụ: chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin...) nhóm thuốc này có tác dụng chống ngứa, chống dị ứng.

Thuốc kháng histamin thế hệ 2: hiện nay có nhiều thuốc kháng histamin thế hệ 2 không gây buồn ngủ được dùng rộng rãi như: cetirizin, astemizol, loratadin, desloratadin, fexofenadin. Tuy nhiên, cần thận trọng đối với những người có vấn đề tim mạch hoặc tiền sử bệnh tim mạch không được dùng một số thuốc trong nhóm astemizol vì nhóm này có thể làm loạn nhịp tim.

Một số trường hợp hiếm gặp: bệnh nặng, kèm thêm phản ứng dị ứng toàn thân thì cần điều trị đặc biệt. Có thể phải dùng corticosteroid toàn thân. Trường hợp bội nhiễm nặng cũng có khi phải dùng kháng sinh toàn thân.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Thực ra kiến 3 khoang không đáng lo ngại như những loài côn trùng đốt và hút máu truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn...) vì loài côn trùng này không tấn công người mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Vì vậy, có thể phòng kiến 3 khoang bằng cách: nên đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau. Người dân có thể bẫy kiến 3 khoang bằng cách đặt một bóng đèn ở ngoài căn nhà, phía dưới có đặt chậu nước, kiến sẽ bị ánh sáng phản chiếu, thu hút đến và chết ở chậu nước đó. Hoặc có thể giết kiến trực tiếp thông qua các dụng cụ hỗ trợ như găng tay, vỉ bắt ruồi để tránh tiếp xúc trực tiếp độc tố của kiến tới da. Phun thuốc để diệt kiến nếu kiến phát triển trên diện rộng.

Tóm lại, bệnh viêm da tiếp xúc do kiến 3 khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.    

ThS.BS.Đỗ Xuân Khoát


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,601,319       1/728